Áo dài là trang phục truyền thống của Việt Nam, gắn liền với đời sống và trở thành nét đẹp văn hoá của người Việt. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, áo dài đã được cải biến và hoàn thiện hơn. Vậy tà áo dài Việt có từ bao giờ và thay đổi như thế nào?
Được xem là biểu tượng, là đặc trưng văn hoá, áo dài – trang phục truyền thống Việt Nam đã đi vào thi ca, văn học nghệ thuật như một biểu tượng nghệ thuật độc đáo. Hiếm có thể thấy trang phục nào vừa kín đáo, chuẩn mực, lại vừa tôn lên dáng vẻ thướt tha, mềm mại của người phụ nữ Việt Nam như chiếc áo dài truyền thống.
Theo những thăng trầm và biến cố của lịch sử, chiếc áo dài cũng thay đổi để phù hợp với từng giai đoạn phát triển của xã hội. Tuy nhiên, áo dài vẫn được xem là biểu tượng cho vẻ đẹp, văn hóa, “sức mạnh” ngàn đời của người phụ nữ Việt Nam. Đến nay, những thiết kế áo dài hiện đại với khả năng biến hóa linh hoạt, từ kiểu dáng, chất liệu đến họa tiết, vẫn là nguồn cảm hứng vô tận cho các nhà thiết kế và tín đồ thời trang ở mọi lứa tuổi.
Trang phục truyền thống Việt Nam: Áo giao lãnh
Đây được xem là kiểu dáng sơ khai nhất của những mẫu áo dài hiện nay. Chiếc chiếc áo dài giao lãnh có bốn vạt, tiền thân của áo tứ thân. Áo giao lãnh khoác ngoài yếm lót, được mặc cùng váy đen và thắt lưng màu tương tự như áo tứ thân, chỉ khác là hai vạt trước buông thả chứ không buộc trước bụng.
Trang phục truyền thống Việt Nam: Áo tứ thân – áo ngũ thân
Để thuận tiện cho công việc nông nghiệp, người xưa đã chế ra kiểu áo tứ thân gọn ghẽ với hai vạt trước rời nhau, có thể buộc lại, và hai vạt sau may liền thành một tà áo. Kiểu dáng này được ghép hai vạt áo sau để tạo tà vì thời đó khổ vải chỉ rộng chừng 35 – 40cm. Đây là trang phục của tầng lớp bình dân và thường sử dụng vải tối màu để tiện cho công việc đồng áng.

Nếu những chiếc áo tứ thân dành cho phụ nữ nông dân thì áo ngũ thân dành cho phụ nữ thành thị. Đây được xem là cách để biệt tầng lớp trên với tầng lớp lao động nghèo. Áo ngũ thân có bốn vạt như áo tứ thân, được may liền nhau thành hai tà trước và sau như áo dài. Vạt con thứ năm được may dưới tà trước như một mảnh áo lót kín đáo. Áo có cổ và phom rộng, được mặc rộng rãi đến đầu thế kỷ 20.
Trang phục truyền thống Việt Nam: Áo dài Lemur
Vào những năm thập niên 1930, Pháp đô hộ Việt Nam, văn hoá phương Tây bắt đầu xâm lấn các trào lưu thời trang bản địa. Sự cải tiến đột phá nhất của áo dài xuất hiện khi một người phụ nữ Hà Nội có tên Cát Tường (hay Le Mur) đem lại rất nhiều thay đổi cho trang phục này, trong đó rất nhiều ý tưởng vẫn còn được giữ lại đến ngày nay.
Cát Tường đã gọn kích thước áo dài để ôm khít thân hình người phụ nữ Việt Nam, đẩy cầu vai, kéo dài tà áo chạm đất và đem đến nhiều màu sắc mới mẻ. Bà khiến chiếc áo dài trở nên gợi cảm, tinh tế và thu hút hơn.
Sau bốn năm phổ biến, ‘áo dài le mur’ được hoạ sĩ Lê Phổ đã bỏ hết những ảnh hưởng phương Tây và thay thế bằng những chi tiết từ áo tứ thân. Từ đó đến những năm 1950, phong cách áo dài Việt Nam đã trở nên vô cùng nổi tiếng trong truyền thống nước nhà.
Trang phục truyền thống Việt Nam: Áo dài với tay raglan
Đến những năm 1960, nhà may Dung ở Đakao, Sài Gòn đã đưa cách ráp tay raglan vào áo dài. Với cách ráp này, tay áo được nối từ cổ xéo xuống nách. Tà trước nối với tà sau qua hàng nút bấm từ cổ xuống nách và dọc theo một bên hông. Thiết kế này vừa giảm thiểu nếp nhăn ở nách, đồng thời giúp tà áo ôm khít theo đường cong người mặc, vừa giúp người phụ nữ cử động tay thoải mái, linh hoạt. Từ đây, chiếc áo dài Việt Nam đã được định hình.
Trang phục truyền thống Việt Nam: Áo dài Bà Nhu
Đầu những năm 1960, bà Trần Lệ Xuân, vợ của ông Ngô Đình Nhu đã thiết kế ra kiểu áo dài hở cổ, bỏ đi phần cổ áo, hay còn gọi là cổ thuyền, cổ khoét. Thiết kế dài nổi tiếng với tên gọi áo dài Bà Nhu đã gặp phải những phản ứng mạnh mẽ vì đi ngược với truyền thống cũng như thuần phong mỹ tục của xã hội thời đó. Tuy nhiên ngày nay, áo dài cổ thuyền rất được ưa chuộng vì sự thoải mái, phù hợp với khí hậu nhiệt đới của nó.
Trang phục truyền thống Việt Nam: Áo dài chít eo – áo dài mini
Từ những năm 1960, áo dài chít eo rở thành kiểu dáng thời thượng. Lúc này, chiếc áo nịt ngực tiện lợi đã được sử dụng rộng rãi. Những phụ nữ thành thị với tư duy cởi mở muốn tôn lên những đường cong cơ thể qua kiểu áo dài chít eo rất chặt để tôn ngực.
Trang phục truyền thống Việt Nam: Áo dài hiện đại
Kể từ sau những năm 1970, đời sống đổi mới đã khiến chiếc áo dài dần vắng bóng trên đường phố. Tuy nhiên, từ năm 2000 đến nay, chiếc áo dài đã trở lại với nhiều kiểu dáng, chất liệu khác nhau qua các bộ sưu tập đầy sáng tạo và phá cách của các nhà thiết kế Võ Việt Chung, Sĩ Hoàng, Thuận Việt… Bên cạnh những kiểu dáng truyền thống, chiếc áo dài đã được cải biên thành áo cưới, áo tà ngắn để mặc với quần jeans…
Mặc dù có bề dày hơn 3 thế kỷ nếu tính từ thuở “sơ khai” là áo tứ thân, nhưng áo dài luôn là nguồn cảm hứng vô tận với các nhà thiết kế hiện nay. Chính sáng tạo của họ đã làm nên tên tuổi, uy tín của họ không chỉ giới thời trang trong nước mà còn trên thế giới. Họ đã vinh danh áo dài Việt Nam và áo dài Việt Nam cũng đã vinh danh họ.
Trên đây là một số chia sẻ về lịch sử áo dài Việt- trang phục truyền thống Việt Nam. Bài viết hi vọng đã đem đến những thông tin hữu ích cho bạn đọc , giúp bạn tìm hiểu áo dài Việt Nam qua những thời kỳ lịch sử một cách hiệu quả nhất.